Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thì viễn cảnh của tương lai nơi mà chúng ta bị giám sát hoàn toàn bởi tất cả camera xung quanh đã không còn xa nữa.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, con người có thể dễ dàng tương tác với nhau hơn thông qua mạng xã hội. Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại cho rằng thế giới công nghệ càng phát triển, sự tiện ích ngày càng tăng thì tự do cá nhân và quyền riêng tư cá nhân của con người lại ngày càng bị mất đi.
Trong một buổi hội thảo diễn ra tại San Francisco, nhà đầu tư công nghệ Sarah Guo, đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm Greylock Partners đã cho rằng viễn cảnh tương lai nơi mà tất cả chúng ta đều sẽ bị giám sát bởi mọi camera xung quanh từ chiếc webcam trên màn hình laptop, cho tới camera trên điện thoại... sẽ không còn xa nữa
.
Thực tế thì trong những năm qua, ngành công nghệ phát triển camera thông minh đã bùng nổ một cách ngoạn mục trên toàn cầu. Một ví dụ cụ thể có thể thấy như tại Trung Quốc, chính phủ đã lắp đặt tới 170 triệu camera với tính năng nhận diện khuôn mặt tuyệt vời đến mức có thể giúp họ bắt được một gã tội phạm bị truy nã giữa đám đông lên tới 50.000 người. Nhà đầu tư Sarah Guo cho rằng thoạt nghe thì có vẻ đáng sợ nhưng viễn cảnh này là không thể tránh khỏi và con người một khi biết rằng mọi hành động của mình đều bị theo dõi, biết đâu họ có thể cư xử tốt đẹp hơn.
"Có ý kiến cho rằng bạn chỉ có thể là chính mình khi không có ai giám sát. Nhưng tôi nghĩ rằng sớm thôi, tất cả chúng ta đều sẽ bị theo dõi. Và tôi nghĩ điều này đôi khi sẽ khiến chúng ta phải thay đổi cách sống như tôi sẽ phải lái xe đàng hoàng hơn, an toàn hơn khi biết rằng mọi chiếc xe xung quanh đều đang theo dõi và đánh giá mình." Guo cho rằng ý tưởng giám sát và đánh giá con người bằng camera không hẳn là một ý tưởng vô lý. Giống như trong series phim viễn tưởng Black Mirror, nhân vật chính là Lacie, sống trong thế giới công nghệ nơi mọi người đều được đánh giá theo một thang điểm xã hội. Cô gái này đã phải cố gắng cải thiện số sao đánh giá của mình khi biết được rằng nếu điểm yêu thích trên mạng xã hội của cô đạt trên 4,5 sao, chủ nhà sẽ giảm 20% giá thuê nhà cho Lacie.
Một viễn cảnh tương tự tại Trung Quốc khi mà chính phủ đã cho lắp đặt 170 triệu camera giám sát từ năm 2014. Các phần mềm, các AI công nghệ cao có thể nhận diện khuôn mặt của đối tượng trong thời gian tính bằng giây đã được phát triển. Bên cạnh đó, chính phủ cũng giám sát hoạt động của người dân thông qua các ứng dụng chat do chính quyền cung cấp để từ đó đưa ra điểm "social credit" cho từng người dân. Những người có điểm social credit tốt sẽ được thưởng và tất nhiên, điểm credit xấu đồng nghĩa với việc bị phạt. Chương trình giám sát của Trung Quốc được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 nhưng ở thời điểm hiện tại, nó đã có thể giúp giám sát hoạt động của hàng triệu con người.
"Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi ngày bạn sẽ bị ghi hình ít nhất 70 lần bởi các camera giám sát. Nhưng đa phần chúng chỉ là các camera ghi hình đơn thuần. Các hình ảnh ghi được nếu không được sử dụng sẽ bị bỏ xó và mai một trên một sever nào đó."
Thế nhưng, càng ngày ngành sản xuất camera càng cho ra đời nhiều loại camera thông minh với giá rẻ hơn. Một trong những ứng dụng phổ biến dễ thấy nhất chính là khả năng mở khóa iPhone X bằng Face ID, cho thấy rằng công nghệ này có thể được phổ biến rất nhanh chóng trong xã hội loài người. Và đến một ngày nào đó, tất cả mọi hành vi của chúng ta đều sẽ bị các camera xung quanh ghi lại và đánh giá một cách tự động. Sự riêng tư cá nhân lúc này có lẽ sẽ trở thành một thứ gì đó vô cùng xa xỉ.