Những công nghệ nổi bật trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

SGT Marketing - 05/12/2019 - 0 bình luận

Đô thị thông minh, tự động hoá sản xuất, thanh toán không dùng tiền mặt... là một vài trong số rất nhiều những ứng dụng đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Triển lãm về công nghiệp 4.0 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, thuộc nhiều lĩnh vực như Ngân hàng thông minh, Đô thị thông minh, Sản xuất thông minh và Năng lượng thông minh.

 

Viettel mang đến triển lãm giải pháp tổng thể về đô thị thông minh. Hệ thống này sẽ được tỉnh Thừa Thiên - Huế áp dụng vào dự án đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2020.

 

Hệ thống của Viettel cho phép những nhà quản lý có thể nhanh chóng nắm bắt được tình hình an ninh - trật tự, điều phối các hoạt động của đô thị và tiếp nhận kiến nghị của người dân.

 

Camera giám sát là một thành phần không thể thiếu của kiến trúc thông minh, từ các tụ điểm công cộng, công sở, nhà máy xí nghiệp cho đến hộ gia đình. Giải pháp của VNPT biến các hệ thống camera giám sát hiện tại trở nên thông minh hơn, đáp ứng các nhu cầu khác nhau như chấm công, phát hiện khách hàng VIP hay cảnh báo đối tượng tình nghi.

 

Hoà nhịp với sự bùng nổ của trào lưu Smart Home (nhà thông minh) trên thế giới, doanh nghiệp Việt Điện Quang cũng đã sẵn sàng với dải sản phẩm đa dạng.

 


Ở lĩnh vực y tế, FPT mang đến giải pháp bệnh viện điện tử (eHospital), trong đó một sản phẩm cụ thể được trưng bày là hệ thống đo huyết áp tự động. Ở đa số các bệnh viện hiện nay, kết quả xét nghiệm/đo đạc đều được nhân viên bệnh viên nhập thủ công rồi in ra giấy, dễ gây ra tình trạng sai sót, thất lạc, khó theo dõi và gây tiêu tốn tài nguyên. Với hệ thống của FPT, bệnh nhân chỉ cần đưa tay vào máy và các chỉ số sẽ tự động được lưu vào hệ thống. Khi cần, bác sĩ có thể nhanh chóng truy cập vào dữ liệu sức khoẻ của bệnh nhân, loại bỏ các loại giấy tờ, bệnh án truyền thống.

 

Smartphone là một mắt xích quan trọng trong kỷ nguyên số. Hai thương hiệu smartphone Việt là Bphone (thuộc tập đoàn BKAV) và Vsmart (thuộc tập đoàn Vingroup) trong thời gian qua đã ra mắt nhiều sản phẩm với thiết kế đẹp, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và mức giá phải chăng.

 

Samsung trình diễn giải pháp di động dành cho tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp với các sản phẩm smartphone và tablet với khả năng bảo mật cao, tách biệt dữ liệu cá nhân/công việc và hỗ trợ quản lý từ xa.

 

Samsung Flip là một giải pháp khác của Samsung hướng tới các phòng họp. Đây là một màn hình lớn mà các thành viên trong cuộc họp có thể tự do viết, vẽ, ghi chú, trình chiếu… từ đó giúp tăng hiệu quả công việc và cộng tác.

 

Trong mỗi cuộc họp, việc ghi lại nội dung thảo luận là điều tối quan trọng. Tuy nhiên đối với những cuôc họp với khối lượng thảo luận lớn, quá trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian nếu như làm thủ công. Để giải quyết vấn đề này, Công ty TNHH Hệ thống Trí thông minh Nhân tạo Việt Nam (VAIS) đã phát triển hệ thống chuyển đổi giọng nói thành văn bản. Hệ thống này của VAIS có thể hoạt động trong thời gian thực, cho độ chính xác 95%, có khả năng phân biệt tiếng vùng miền và hoạt động trong môi trường nhiễu. Để thử nghiệm, VAIS sử dụng bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - một ví dụ rất thiết thực khi mà Đảng và Nhà nước đang trong giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử.

 

Grab xuất thân là một ứng dụng gọi xe truyền thống, nhưng trong một vài năm trở lại đây đã liên tục mở rộng sang các lĩnh vực khác như ăn uống, đặt phòng khách sạn và tài chính với ví điện tử Moca. Giờ đây, Grab không chỉ đơn thuần là một ứng dụng gọi xe nữa, mà đã trở thành một "siêu ứng dụng đa dịch vụ".

 

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành một trào lưu mới và ngày càng được người tiêu dùng đón nhận nhờ sự tiện dụng của nó. Tại gian hàng của VNPAY QR, nhiều khách hàng hào hứng trải nghiệm mua hàng thông qua mã QR và ứng dụng Internet Banking của ngân hàng.

 

Không chỉ đơn giản hoá quá trình giao dịch thanh toán tại điểm bán lẻ, các ngân hàng còn đang tạo ra những giá trị mới cho khách hàng của mình thông qua việc tích hợp thêm nhiều dịch vụ gia tăng, ví dụ như mua vé máy bay trực tiếp trên ứng dụng của HD Bank.

 

Ngân hàng TPBank sử dụng công nghệ để cải thiện một khía cạnh khác trong chất lượng dịch vụ, đó là chăm sóc khách hàng. Ngân hàng điện tử LiveBank của TPBank cho phép khách hàng thực hiện giao dịch ngân hàng 24/7 thông qua màn hình kết nối trực tiếp với nhân viên. Người dùng thậm chí có thể mở tài khoản và nhận thẻ trực tiếp mà không cần chờ đợi.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất, trong đó tự động hoá là yếu tố then chốt. Việc sử dụng robot trong sản xuất sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng độ chính xác và giảm thiểu chi phí.

 

Một số giải pháp nhà máy thông minh được đưa ra tại hội chợ. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng dây chuyền truyền thống tỏ ra quan tâm trước các giải pháp này, do họ không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua chuyển đổi số.

 

Công nghệ thực tế ảo (VR) được rất nhiều đơn vị ứng dụng vào lĩnh vực của mình. Trong giáo dục, VR mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới khi giúp người học có một cái nhìn trực quan về kiến thức, ngoài ra còn cho phép họ thực hành trực tiếp để hiểu rõ về bản chất của bài học, thay vì chỉ dừng lại ở lý thuyết khô khan.

 

Trong lĩnh vực khoa học, cụ thể là y tế, VR khiến những vấn đề phức tạp như cấu trúc cơ thể con người trở nên sinh động hơn.

 

Theo Genk.vn

 

Viết bình luận của bạn

Top
zalo
Yêu cầu báo giá