4 xu hướng công nghệ thông minh góp phần làm biến đổi thế giới

SGreentech Marketing - 10/08/2018 - 0 bình luận

Cuộc cách mạng về công nghệ đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta và có tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh từ sản xuất, công nghiệp, nông nghiêp, kinh tế, chính trị xã hội và cuộc sống của loài người. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những công nghệ sau đây đang không ngừng tác động và làm biến đổi thế giới.

Vào năm 2006, mỗi ngày chúng ta thực hiện khoảng 100 triệu lượt tìm kiếm trên Google – đây là con số thực sự khổng lồ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây cho thấy, lượt tìm kiếm trên Google đã tăng lên 4,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, gấp 45 lần so với năm 2006. Điều này cho thấy, cuộc cách mạng số đang phát triển không ngừng và lan rộng ra khắp hành tinh, len lỏi vào từng khía cạnh của đời sống.

Để đạt được con số 50 triệu người dùng, công nghệ phát thanh (radio) phải mất đến 38 năm, trong khi đó, công nghệ truyền hình là 13 năm, iPhone là 3,5 năm và mạng xã hội Facebook là 2 năm. Nhưng nhanh hơn thế là ứng dụng trò chơi Pokémon Go đã tiếp cận đến 50 triệu người chơi chỉ trong 19 ngày.

Trong lĩnh vực kinh doanh, cuộc cách mạng không thực sự diễn ra tại công cụ tìm kiếm hay công cụ truyền thông trên mạng Internet mà chính là gói dữ liệu. Hiện mỗi ngày có khoảng 2,5 nghìn tỷ byte dữ liệu được tạo ra và 90% lượng dữ liệu hiện hữu là được sản sinh trong vòng 02 năm trở lại đây. Cũng trong 02 năm vừa qua, lượng dữ liệu lưu trữ nhiều hơn gấp nhiều lần so với lượng dữ liệu tồn tại trong lịch sự phát triển của loài người cộng lại. Sở dĩ có sự tăng trưởng đột biến ở mảng dữ liệu là do người ta đang tiến hành thu thập, ghi âm, số hóa dữ liệu nhiều hơn bao giờ hết, vì những dữ liệu này thực sự có ý nghĩa với nền sản xuất kinh doanh trên toàn cầu, góp phần tự do hóa cá nhân và làm thay đổi cách thức tổ chức của nhiều mô hình doanh nghiệp . Tuy nhiên, những công nghệ góp phần làm tăng lưu lượng dữ liệu lại là Trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, IoT và chuyển đối số

Trí tuệ nhân tạo

Khi nói về trí tuệ nhân tạo (AI), người ta hay đề cập đến khả năng một ngày con người sẽ mất đi việc làm của mình vì AI này cũng như robot. Ngay cả những chuyên gia đứng đầu về công nghệ như Bill Gates và Elon Musk cũng đưa ra những ý kiến gây tranh cãi về công nghệ AI, những cảnh báo “thảm khốc” mà công nghệ này sẽ mang lại cho con người.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của công nghệ AI ngày nay không phải vì nó quá thông minh, mà làm thế nào để đưa vào ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này còn khá mơ hồ và con người cần có sự chuẩn bị về kiến thức, dữ liệu cần thiết để chạy các thuật toán nguyên bản khi thực hiện các công việc của mình.

Có thể hiểu AI là tất cả những gì liên quan đến tự động hóa, phân tích quy tắc, tự động hóa quy trình kinh doanh và thúc đẩy hiệu quả một cách triệt để. Đó là lý do tại sao thị trường cho các giải pháp AI dự kiến đạt 47 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, AI có liên quan mật thiết với dữ liệu lớn (big data), AI cần dữ liệu lớn để phân tích mẫu lớn và dữ liệu lớn cần AI để xử lý một khối lượng lớn số byte mỗi ngày. 

Mặc dù AI vẫn là lĩnh vực công nghệ non trẻ nhưng sẽ là cơ hội lớn cho các startup thỏa sức sáng tạo. Một vài năm gần đây, nhiều startup ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Pháp… đã bắt đầu dành 50% ngân sách để tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ giải pháp AI.

An ninh mạng

Chưa khi nào thế giới lại chứng kiến những vụ vi phạm, rò rỉ dữ liệu lớn và chịu nhiều tổn thất như thời gian vừa qua. Đây được xem là vấn đề “nhức nhối” của ngành công nghệ toàn cầu và đặt ra bài toán hóc búa cho các nhà phát triển. Chính vì vậy, an ninh mạng cũng sẽ là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng và biến đổi không ngừng trong năm nay.

Nhiều người có quan điểm, các nhóm tội phạm chỉ tập trung tấn công vào các mục tiêu là các sản phẩm đã lỗi thời và khả năng bảo mật không cao. Nhưng với những số liệu thống kê gần đây cho thấy, bất cứ một sản phẩm công nghệ nào mới ra đời ngay lập tức chúng có thể trở thành “miếng mồi” của tin tặc.

Các vụ tấn công mạng đang trở nên phổ biến trên toàn cầu, trong đó tội phạm mạng nhắm đến mục tiêu là các tổ chức, cá nhân, cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia… bằng những vụ tấn công vô cùng tinh vi. Nhiều nước trên thế giới đã tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trên không gian mạng, đồng thời xây dựng và ban hành các điều luật về an ninh mạng nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của chính phủ, cơ quan công quyền, các doanh nghiệp, cũng như người dân trong môi trường mạng toàn cầu.

Như vậy, thiệt hại mà tội phạm mạng gây ra đối với thế giới là vô cùng lớn. Tại châu Âu, châu Á và Mỹ, những quy định mới đang được thực hiện để đảm bảo triển khai các biện pháp an ninh phù hợp bảo vệ cơ sở dữ liệu có giá trị. Chính vì vậy, an ninh mạng cũng là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và góp phần làm thay đổi thế giới trong thời gian ngắn tới đây.

Internet của vạn vật (Internet of Things, viết tắt là IoT)

IoT được coi là thời đại Internet hóa và là cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo trong hành trình phát triển của loài người. Có thể hiểu, IoT là một hệ thống mạng lưới các thiết bị được kết nối Internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau. Như vậy, không chỉ có điện thoại thông minh, máy tính, máy ảnh số… được kết nối Internet mà ngay cả ô tô, các thiết bị gia dụng cũng có thể được kết nối và giao tiếp với nhau trên môi trường mạng.

Hiện tại có hơn 15 tỷ thiết bị IoT trên thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 30 tỷ vào năm 2020 và 75 tỷ vào năm 2025.Tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực IoT trong 5 năm tới sẽ đạt mức 13 nghìn tỷ USD. Trong đó, chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ là 03 nhóm đối tượng chính sử dụng thiết bị IoT nhiều nhất và đóng góp chủ yếu cho thị trường IoT.

Cụ thể, Đối với người tiêu dùng: 5 tỷ thiết bị IoT được cài đặt vào năm 2020, người tiêu dùng chi tiêu khoảng 900 triệu USD cho IoT, và dự báo vốn đầu tư vào thị trường này là 400 triệu USD đến 2020. Đối với các chính phủ: sẽ có khoảng 7,7 tỷ thiết bị IoT được cài đặt đến năm 2020, tiêu tốn khoản 2,1 tỷ USD và 4,7 tỷ USD trong vốn đầu tư. Đối với thị trường doanh nghiệp: sẽ có khoảng 11,2 tỷ thiết bị được cài đạt vào năm 2020, với chi phí 3 tỷ USD và 7,6 tỷ USD cho đầu tư. Theo dự báo, IoT sẽ là lĩnh vực tiêu tốn nhiều ngân sách trong thời gian tới.

Chuyển đổi số

Nếu năm 2016 keyword “startup” bỗng chốc bùng nổ, năm 2017 “Cách mạng 4.0” trở thành từ khóa “hot nhất” thì 2018 hứa hẹn đầy mới mẻ và đột phá với từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất có lẽ là “Digital Transformation”.

Digital Transformation hay còn gọi là Chuyển đổi số là sự thay đổi liên quan đến việc ứng dụng công nghệ số trong tất cả các khía cạnh của xã hội con người. Đây được xem là xu thế phát triển tất yếu và theo các chuyên gia trong vòng 05 năm tới nếu doanh nghiệp nào không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì sẽ không biết đi đâu về đâu, thậm chí có thể bị xóa sổ.

Chuyển đổi số có tác động đến nhiều loại hình công nghệ mới như Điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility), xã hội (Social) và dữ liệu lớn (Big Data) cùng với đó là các sáng kiến công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Thing (IoT), robotic... đã và đang làm tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời tác động mạnh mẽ tới lực lượng lao động các doanh nghiệp. 

Nhờ có nền tảng công nghệ số, nếu như Windows đạt 1 tỷ người dùng sau 25 năm, Facebook chỉ cần 9 năm, và với WeChat là 6 năm. Airbnb hiện cũng là doanh nghiệp lưu trú lớn nhất hành tinh nhưng không sở hữu một nhà nghỉ hay khách sạn nào mà tất cả nhờ vào công nghệ và kết nối số. 

Nói về sự cấp thiết của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các chuyên gia cho biết, trong danh sách 500 các công ty hàng đầu thế giới, nhiều doanh nghiệp đã mất vị trí cạnh tranh trên thị trường. Các công ty hàng đầu trên thế giới hiện nay đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các công ty phát triển trên nền tảng kỹ thuật số.

Chuyển đổi số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ, chuyển từ anlalog sang số mà cả một quy trình chuyển đổi kinh doanh tận dụng trên nền tảng công nghệ thứ 3 để tạo ra các giá trị, mối quan hệ và mô hình kinh doanh mới

Viết bình luận của bạn

Top
zalo
Yêu cầu báo giá